Tuyệt đối không được mở thẻ ngân hàng để cho hoặc bán

Hiện nay, hành vi thu thập thông tin, mua bán tài khoản ngân hàng đang có xu hướng tăng cao. Nhiều trường hợp sử dụng các tài khoản ngân hàng này với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng vào các hoạt động phi pháp khác như: đánh bạc, mua bán ma túy…

Pháp luật đã có những quy định xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi thu thập, mua bán, trao đổi… thông tin tài khoản ngân hàng nhằm ngăn chặn điều kiện hoạt động phạm tội của các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo công nghệ cao.

* Sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng để chuyển tiền

Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh nhận được thông tin về nhiều vụ lừa đảo công nghệ cao thông qua mạng xã hội với các thủ đoạn khác nhau. Tất cả nguồn tiền do bị hại chuyển tới đã vào nhiều tài khoản khác nhau và bị rút sạch chỉ trong một thời gian rất ngắn. Qua xác minh, tất cả tài khoản ngân hàng này đều do chủ tài khoản đã bán, cho người khác hoặc bị mất…

Đơn cử như trường hợp chị N.T.D. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đã bị nhóm kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt gần 1,1 tỷ đồng. Vào tháng 8-2022, chị D. sử dụng mạng xã hội tìm kiếm việc làm thì được một người tên “Thu Huong” tư vấn tham gia làm cộng tác viên với nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng để được hưởng lợi nhuận. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, chị D. lại chuyển tiền vào một tài khoản khác nhau. Tổng cộng, chị D. đã chuyển tổng số tiền gần 1,1 tỷ đồng vào 9 số tài khoản ngân hàng khác nhau.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán, cho tặng tài khoản ngân hàng, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền các thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm công nghệ cao; phối hợp với ngân hàng niêm yết các thông tin cảnh báo tại các điểm giao dịch để giúp khách hàng tránh bị lừa đảo. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để ngăn chặn tình trạng mở thẻ ngân hàng tràn lan như hiện nay nhằm ngăn chặn tận gốc điều kiện phạm tội của các loại tội phạm.

Ngoài ra, cũng có những vụ án, qua quá trình xác minh thì các chủ tài khoản đều khai đã mở tài khoản ngân hàng để bán với giá từ 1-5 triệu đồng/tài khoản hoặc làm mất tài khoản. Thậm chí, có trường hợp đã cố tình mở tài khoản ngân hàng và trở thành đồng phạm giúp sức các đối tượng lừa đảo.

Điển hình, ngày 28-9-2022, TAND tỉnh tuyên phạt các bị cáo: Diallo Micheal (30 tuổi, quốc tịch Guinea, ngụ TP.HCM) 15 năm tù; Ezegbogu Francisco Emeka (30 tuổi, quốc tịch Nigeria, ngụ TP.HCM) 14 năm tù; Agada Samuel (29 tuổi, quốc tịch Nigeria, ngụ TP.HCM) 14 năm tù; Cáp Xuân Thùy (24 tuổi, ngụ TP.HCM) 12 năm tù; Bùi Thị Nghi (31 tuổi, ngụ TP.HCM) 12 năm tù; Nguyễn Thị Hương (74 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) 6 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, để có tiền tiêu xài, các bị cáo người nước ngoài sau khi nhập cảnh vào Việt Nam đã cấu kết với Thùy, Nghi và Hương sử dụng các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook… để kết bạn, yêu đương với các nạn nhân là phụ nữ Việt Nam và đã lừa đảo với tổng số tiền chiếm đoạt là 3,8 tỷ đồng.

Trong đó, bị cáo Hương từng là bị hại trong vụ án và bị chiếm đoạt 600 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi Diallo Micheal yêu cầu Hương mở tài khoản và hứa sẽ cho Hương từ 2-3 triệu đồng (khi có bị hại chuyển tiền vào số tài khoản) thì Hương đã ra ngân hàng để làm thẻ rồi gửi cho đối tượng. Từ đây, nhiều bị hại bị lừa và chuyển tiền vào số tài khoản của Hương rồi bị Diallo Micheal rút hết.

Ngoài ra, sau khi xác minh số tài khoản ngân hàng mà bị hại đã gửi tiền tới trong vụ án thì xác định đây đều là tài khoản ngân hàng của những người dân bình thường. Cụ thể như các bị cáo đã lừa bà L.T.H. (ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản tên Tào Kim Thủy tại Ngân hàng ACB. Khi cơ quan chức năng làm việc với bà Thủy thì được biết, sau khi làm quen qua mạng với một người đàn ông thì đối tượng này đã nhờ bà Thủy mở giùm tài khoản ngân hàng để phục vụ cho việc kinh doanh chứng khoán và tiền ảo với thỏa thuận khi có 100 triệu đồng chuyển vào tài khoản thì bà Thủy sẽ được nhận 500 ngàn đồng.

Đối với các tài khoản mà bị hại đã chuyển tiền vào, sau khi cơ quan điều tra xác minh nhận định các số tài khoản này đều là của người dân mở tài khoản rồi đem bán, cho hoặc đã làm mất các giấy tờ trước đó.

* Nhiều hệ lụy sau khi bán, cho tài khoản ngân hàng

Trung tá Nguyễn Gia Định, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay, thời gian qua, trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao thì đối tượng đều sử dụng tài khoản mua lại hoặc chiếm đoạt của người khác. Một số người dân vì muốn có tiền đã mở tài khoản ngân hàng để bán lại cho một số đối tượng qua mạng. Với hành vi này, người dân đã cung cấp điều kiện phạm tội cho các đối tượng và gây nhiều khó khăn cho công tác xác minh, truy bắt tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao.

Theo trung tá Định, hiện nay tội phạm thực hiện các hành vi mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng để dùng vào việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy… diễn ra rất phức tạp, gây rủi ro rất lớn cho chủ tài khoản. Cụ thể, các tài khoản này sẽ được các đối tượng sử dụng vào các giao dịch số tiền rất lớn nên có khả năng chủ tài khoản sẽ bị truy thu với số tiền lớn. Ngoài ra, theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, phạt từ 40-100 triệu đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán. Còn theo Điều 291, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt đến 7 năm tù (tùy mức độ vi phạm).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

call
Gọi điện
smsNhắn tin
chat Chat Zalo
supportCần tư vấn